Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương vừa có tờ trình gửi UBND tỉnh để bổ sung hai hạng mục của dự án xây dựng đường Mỹ Phước – Tân Vạn vào danh mục các dự án cấp bách. Dự án được chủ đầu tư là Tổng công ty Becamex IDC (trực thuộc UBND tỉnh Bình Dương)
Thi công từ năm 2009, tiến độ tính đến nay đã bị chậm hơn 2 năm rưỡi so với kế hoạch Theo đó, hai hạng mục gồm đường Mỹ Phước – Tân Vạn nối dài (nối thị xã Bến Cát và huyện Bàu Bàng và hạng mục nắn đường Mỹ Phước – Tân Vạn qua địa bàn thị xã Dĩ An. Dự án đường Mỹ Phước – Tân Vạn được đầu tư theo hình thức BOT, có tổng chiều dài gần 30km đường chính và 12km đường gom, trên toàn tuyến có 18 cầu vượt lớn và 4 nút giao thông cắt liên thông để kết nối với bên ngoài. Điểm đầu từ KCN và đô thị Mỹ Phước, sẽ đi qua các KCN lớn nằm trên 04 huyện, thị xã là Bến Cát, Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An đến cửa ngõ sân bay và cảng biển quốc tế. Đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường ô tô cao cấp với vận tốc trung bình đạt 100km/h. Tổng vốn đầu tư dự án hơn 3.500 tỷ đồng, khi hoàn thành đường Mỹ Phước – Tân Vạn sẽ kết nối với đường Xuyên Á, đường Hồ Chí Minh và hệ thống giao thông của toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự kiến, tuyến đường Mỹ Phước – Tân Vạn sẽ thông xe trong năm 2015. Tuyến đường này có một số đoạn trùng với đường Vành đai 3 (TP. HCM), nên trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương sẽ xây dựng một tuyến metro dọc tuyến đường này để kết nối với hệ thống metro của TP. HCM tại nút giao thông Suối Tiên (quận 9). Dự án được chủ đầu tư là Tổng công ty Becamex IDC (trực thuộc UBND tỉnh Bình Dương) xây dựng từ năm 2009, đáng lẽ phải hoàn thành từ đầu năm 2013 nhưng tới nay mới cho lưu thông nhỏ lẻ một số đoạn. Theo UBND tỉnh Bình Dương, việc đầu tư xây dựng đường Mỹ Phước – Tân Vạn sẽ mở ra cơ hội mới cho sự phát triển kinh tế bền vững và không ngừng của Bình Dương, góp phần ổn định thu hút đầu tư trong thời gian tới.
Mai Huyên – http://www.baogiaothong.vn/
———————————————————————————————-
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương và Becamex cắt băng khánh thành đường Mỹ Phước – Tân Vạn giai đoạn 1
Theo đó, dự án đường Mỹ Phước – Tân Vạn có chiều dài 62km, từ huyện Bàu Bàng đến Quốc lộ 1A đoạn Tân Vạn. Tuyến đường đi qua các khu công nghiệp lớn nằm trên 5 địa phương là Bàu Bàng, Bến Cát, Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An.
Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, vận tốc thiết kế 80km/giờ, mặt cắt 32m, 6 làn xe (riêng đoạn từ ĐT 741 đến khu công nghiệp Bàu Bàng mặt cắt 62m, 10 làn xe ), vỉa hè 7m, dải phân cách giữa 3m, có đầy đủ hệ thống thoát nước mặt đường, cây xanh được bố trí 2 bên đường.
Đường Mỹ Phước – Tân Vạn được xem là đường vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ các khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương đi các cảng biển quốc tế của TPHCM và Đồng Nai.
Ông Nguyễn Văn Hùng – TGĐ Becamex IDC cho biết: Đường Mỹ Phước – Tân Vạn khi hoàn thành sẽ kết nối từ đường Hồ Chí Minh đến Quốc lộ 1A và hệ thống giao thông toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; thời gian vận chuyển hàng hóa, dịch vụ đến sân bay, bến cảng sẽ rút ngắn được 30%, giảm được khoảng 20% chi phí vận chuyển, góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm khi nhà đầu tư quyết định đầu tư tại Bình Dương.
Đường Mỹ Phước – Tân Vạn vừa làm nhiệm vụ kết nối giao thông xuyên suốt giữa các khu công nghiệp đến các cảng biển, sân bay quốc tế bằng cự ly ngắn nhất, vừa là động lực để các đô thị vệ tinh trong chùm đô thị Bình Dương phát triển đúng hướng.
Công trình sẽ góp phần mở rộng không gian đô thị, tạo ra chuỗi đô thị liên kết dọc theo tuyến với phương thức phát triển: lấy nhà ga làm trung tâm kích hoạt. Đây cũng là mô hình mới về phát triển đô thị, lần đầu tiên được áp dụng tại Bình Dương.
Công trình có tổng mức đầu tư 4.300 tỷ đồng, được sử dụng từ vốn của doanh nghiệp. Riêng phần giải tỏa bồi thường do các địa phương có tuyến đường đi qua thực hiện và được sử dụng từ nguồn ngân sách của Bình Dương.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương và Becamex cùng thực hiện nghi thức động thổ xây dựng đường ĐT 743
Cũng tại buổi lễ, TCty Becamex IDC tổ chức động xây dựng mở rộng đường ĐT 743 từ miếu Ông Cù đến cầu vượt Sóng Thần với tổng chiều dài 12,3km, qui mô 6 làn xe.
Công trình có tổng vốn đầu tư 1.329 tỷ đồng, được sử dụng từ vốn của doanh nghiệp; phần giải tỏa bồi thường do các địa phương có tuyến đường đi qua thực hiện và bằng nguồn ngân sách tỉnh Bình Dương.
Công trình được chia làm 2 giai đoạn; giai đoạn 1 từ ngã 3 Công viên Tân Đông Hiệp đến cầu vượt Sóng Thần dài 7 km. Giai đoạn 2 sẽ hoàn tất phần còn lại gồm đoạn từ miếu Ông Cù đến ngã 3 công viên Tân Đông Hiệp và các cầu vượt tại ngã 6 An Phú, ngã tư 550 và nút giao Sóng Thần.
Đường ĐT 743 luôn có mật độ phương tiện giao thông tham gia dày đặc
Đây là tuyến đường chính kết nối xuyên suốt các thị xã Tân Uyên, Thuận An, Dĩ An, thành phố mới Bình Dương đi qua các KCN trong khu liên hợp, khu công nghiệp Việt Nam – Singapore, Sóng Thần về TPHCM và các tỉnh lân cận, kết nối với đường Mỹ Phước – Tân Vạn, đường xuyên Á.
Công trình hoàn thành sẽ bổ sung thêm 1 trục chính cho hệ thống giao thông của Bình Dương, góp phần quan trọng cho việc phát triển kinh tế, xã hội và nhất là tạo sự thông thoáng, giảm ùn tắc giao thông vốn thường xuyên xảy ra trên tuyến đường này.
Đường Mỹ Phước – Tân Vạn được xem là đường vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ các khu công nghiệp của Bình Dương đi các cảng biển quốc tế của TPHCM và Đồng Nai.